Bạn tôi

Thật tình cờ và có lẽ cũng là duyên kì ngộ giữa tôi và bạn khi căn phòng trọ tôi thuê sát vách phòng bạn. Chất giọng miền Trung đặc sệt của bạn ban đầu làm tôi thật khổ sở. Rồi hai đứa thân nhau lúc nào không biết. Theo thời gian, tôi càng hiểu bạn hơn thì sự ngưỡng mộ bạn trong tôi cũng lớn dần lên.

Hoàn cảnh của bạn khác tôi nhiều quá. Tôi thi rớt đại học, khăn gói lên thành phố ôn thi lại với số tiền chu cấp hàng tháng của bố mẹ. Bạn hơn tôi một tuổi, đến từ vùng quê hẻo lánh của mảnh đất Bình Định. Bố mẹ bạn vì không có đất ruộng nên phải đi làm thuê cho những người khá giả trong xóm, nuôi con ăn học. Là anh của bốn đứa em, bạn vừa đi học vừa làm thêm phụ giúp bố mẹ. Bạn không kể nhiều về mình, không than khổ. Bạn biến nỗi vất vả cực nhọc của tuổi thơ thành những câu chuyện vui về những ngày tháng không thể quên, nào là đi đánh cá thuê bị con đỉa trâu chui vào rốn, nào là lần đầu chăn trâu bị hất ngã lăn xuống ruộng, bê bết bùn. Tôi còn tròn mắt nghe bạn kể, bạn chỉ cười: “Bình thường thôi. Con trai phải thế”.

Cứ như vậy cho đến ngày bố bạn không chịu nổi cảnh nghèo túng, quyết định theo bạn bè đi làm ăn xa, rồi không bao giờ về nữa. Những người cùng đi bảo là thấy ông ấy sống cùng một người phụ nữ góa chồng giàu có. Người cha ấy đã không đủ bản lĩnh làm trụ cột cho cả gia đình. Khó khăn tăng gấp bội phần, gánh nặng đè lên đôi vai gầy người mẹ. Nhưng bà nhất định không cho bạn nghỉ học, bà bảo rằng chỉ có vào đại học sau này bạn mới lo được cho các em khi bà không còn đủ sức. Bạn hạ quyết tâm, ngày đi làm thêm, đêm lao vào học.

Ngày có kết quả trúng tuyển đại học Bách Khoa thành phố, ước mơ về một cuộc sống nhẹ nhàng hơn cho mẹ, đầy đủ hơn cho các em ấp ủ bấy lâu trong bạn như được chắp cánh bay xa. Nhưng sau khi trả tiền tàu xe, đặt cọc nhà trọ chỉ còn vẻn vẹn 100 nghìn trong túi, thì bạn nhận ra rằng khó khăn chỉ mới bắt đầu. Bạn tìm đến trung tâm gia sư xin dạy thêm. Vì là sinh viên năm nhất chưa có kinh nghiệm nên thật khó khăn để thuyết phục phụ huynh. Thế là bạn đồng ý dạy thử hai tuần thay vì chỉ một tuần như qui định của trung tâm. Thằng bé học trò thích mê ông thầy dạy vừa dễ hiểu vừa có vô khối chuyện kể về con cá, con trâu. Bước đầu thành công, bạn viết thư về cho mẹ “tháng sau mẹ không cần gửi tiền cho con nữa, cứ để lo cho các em…”

Ngày tôi gặp bạn, bạn đã là ông thầy của hai lớp dạy thêm và nhân viên cài chương trình của một cửa hàng bán máy vi tính. Sáng đi học, chiều làm thêm, đêm về học bài, cả tuần bạn cứ quay như một cái chong chóng điện. Cả khu nhà trọ đều quí bạn vì cái tính thật thà, hay giúp đỡ người khác. Bạn nổi tiếng với biệt danh “Nam sò”, tức trùm sò. Tên gọi này hình thành sau một lần vì tiết kiệm tiền hớt tóc, bạn nhờ thằng bạn cùng phòng cắt hộ. Kết quả là bạn đến trường với mái tóc không khác cái rế nồi là mấy. Có lẽ chính vì thế mà thỉnh thoảng bạn gửi được ít tiền tích góp về giúp mẹ.

Tôi nhớ một buổi chiều, bạn về phòng trọ mà không đi dạy như thường lệ. Bạn đổ vật người xuống chiếu rồi bắt đầu khóc thút thít hệt như một đứa trẻ. Tôi chạy sang, gặng hỏi mãi thì bạn mới nói là bạn bị đuổi việc vì đánh một người làm chung, nó ghen ghét vì bạn được người quản lý cửa hàng ưu ái nên nói xấu bạn sau lưng. Tôi trách bạn làm một việc nông nổi quá, làm một việc không đáng làm để rồi… Bạn nhìn xa xăm “tui sẽ nhịn nếu như không nghe loáng thoáng vài từ… không giữ được chồng từ miệng nó”. Thì ra đó là đứa bạn cùng quê, biết chuyện gia đình bạn. Tôi chợt hiểu rằng bạn sẽ nhẫn nhịn nếu người đó không xúc phạm đến mẹ bạn. Không ai được làm điều đó, dù chỉ một lời.

Mấy ngày liền sau đó, bạn chán nản và xuống tinh thần thật sự khi nghĩ tới gánh nặng bấy lâu nay nhẹ bớt đôi phần, giờ lại sắp oằn trên lưng mẹ. Công việc đó rất tốt và bạn rất thích nó. Nhưng cuộc đời là thế, có mấy ai được như ý mình. Tôi an ủi, động viên bạn mãi không được đành đi lục lọi báo cũ, cắt những bài viết về các tấm gương nghị lực vượt khó, đưa ra trước mặt bạn “Đọc đi. Đừng tưởng chỉ có mình ông khổ. Còn cả tá người chẳng bằng một nửa như ông. Đã cố gắng được đến đây rồi thì sao không tiếp tục.” Bạn cầm những bài báo tôi đưa, nghiềm ngẫm các tấm gương tiêu biểu giàu nghị lực, một em tật nguyền đậu một lúc ba trường đại học, một thanh niên từ tay trắng trở thành chủ một cửa hàng lớn ở tuổi 26… Bạn lấy lại tinh thần, bắt đầu mua báo về tìm việc bán thời gian và luôn miệng cảm ơn tôi. Thế đấy, nghị lực và bản lĩnh không có nghĩa là phải làm được những việc phi thường mà là biết vượt qua những lúc yếu lòng, những lúc suy sụp nhất để tiếp tục vươn lên. Bạn tôi đã làm được.

Năm đó tôi lại thi rớt đại học, đành về quê để ba tôi nhờ người quen xin việc. Bạn ở lại thành phố, tiếp tục hoàn thành chặng đường còn lại của mình. Mới đó mà đã 8 năm trôi qua. Tôi và bạn đã mất liên lạc với nhau khi cả hai mải mê với vòng xoáy cuộc đời riêng của mối người. Có người bảo bạn giờ đã trở thành chủ một cửa hàng bán máy vi tính có tiếng ở Qui Nhơn. Tôi rất tin dù chưa thấy tận mắt. Khi biết thông tin về cuộc thi này và đọc các bài viết về những người đàn ông đích thực theo cảm nhận của mỗi người tham dự, tôi chợt nghĩ đến bạn.

Nếu có lúc nào đó bạn tình cờ đọc được bài viết này thì cũng đừng ngạc nhiên, Nam nhé! Nhớ khi xưa tôi tìm báo về những tấm gương nghị lực để động viên bạn thì nay bạn đã xuất hiện trên trang báo này cũng như một tấm gương đầy bản lĩnh. Bạn xứng đáng như thế. Tuy cha bạn là một người đàn ông thiếu nghị lực, kém bản lĩnh và vô trách nhiệm nhưng nghị lực và bản lĩnh trong bạn có thể bù đắp cả phần ông ấy.

Nếu có ai đó qua bài viết này biết bạn và hỏi bạn về những việc đã qua, tôi chắc rằng bạn tôi sẽ chỉ mỉm cười “Bình thường thôi. Đàn ông phải thế.”

Nguyễn Thị Thu Phương