Vớt xác trên dòng sông Hồng

Con sông Hồng vốn hiền hòa bồi đắp phù sa nhưng có khi nó lại giận dữ “nuốt” vào lòng mình biết bao nhiêu sinh mạng. Có khi những sinh mạng ấy đã bị thối rữa, khiến mọi người kinh sợ. Những ám ảnh về xác chết cứ bám riết, đeo đẳng lấy họ, thậm chí cả trong giấc ngủ. Vậy mà, cũng nơi con sông Hồng ấy, có một người đã dám coi việc vớt xác trên sông như một cái nghiệp.

Vớt xác cũng là một nghề

Cái tuổi mười bảy, tuổi của gã trai sức vóc và gan lì Nguyễn Đức Đại được đánh dấu bằng một bản án mười bảy năm tù cho tội đánh nhau dẫn đến chết người. Ra tù năm 1981, Nguyễn Đức Đại đã 34 tuổi, Đại dựng một ngôi nhà nhỏ ở xóm bãi bên bờ sông Hồng, lấy việc chăn bò để kiếm sống và từ đó, người làng gọi gã là Đại “bò”.

Rít một điếu thuốc lào giòn tan và từ từ nhả khói trắng, Đại “bò” bình thản bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Giống như một cơ duyên, trong những tháng ngày thụ án tại trại giam, gã đã từng vớt 7 trại viên bị chết đuối dưới suối. Lần đầu tiên vớt xác Đại “bò” chỉ thấy mệt chứ không thấy sợ. Giống như bao phạm nhân khác trở về sau thời gian dài cải tạo, Đại “bò” cũng đã lăn lộn với đủ thứ nghề, từ bốc vác, bán sức lao động đến làm thuê trên những chuyến tàu chở than ngược xuôi Hà Nội – Quảng Ninh…

Nhưng rồi, không một công việc nào níu chân lâu được người đàn ông ấy và như một định mệnh, từ kẻ giết người, Đại “bò” trở thành người đưa những xác chết bất hạnh ấy về với đất mẹ. Tự cho mình là “bạo”, không sợ xác chết, Đại “bò” nói: “Công việc của tôi đang làm giống như người công nhân quét rác, người nông dân trồng rau… nói chung giống như là một công việc bình thường trong xã hội, không có gì đặc biệt cả”.

Ngôi nhà của Đại “bò” nằm ngay bờ sông Hồng, quanh năm bên lở bên bồi. Vì thế, việc sông nước đối với ông rất quen thuộc, ông có thể bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia, hoặc bơi ra bãi giữa để trồng trọt. Và cũng ở vị trí nhà ông, khá nhiều xác chết đã được tìm thấy, bị dạt vào bờ và thường là ở trong tình trạng đã thối rữa hoặc trương lên. Thế nên việc vớt xác với người đàn ông này cũng là chuyện thường ngày. Chả thế mà mỗi khi nhận được tin báo có xác chết, Đại “bò” luôn là cái tên được lực lượng công an địa bàn nghĩ đến đầu tiên trong việc trợ giúp đưa xác chết lên bờ để khám nghiệm tử thi.

Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng Công an xã Liên Mạc trầm trồ thán phục: “Chuyên nghiệp và nhiệt tình lắm. Chỉ cần một cú điện thoại là dù đang đi làm thuê hoặc đang bận việc cũng bỏ cả đấy để đến làm ngay. Mà động tác vớt xác sao mà thuần thục đến thế. Kể cả xác đã thối rữa dễ bị rời hết các bộ phận ra, thế mà chỉ cần một mảnh chiếu, lội ra sông luồn xuống phía dưới nước rồi vác lên bờ. Thế là các bác sĩ pháp y đã có thể bắt đầu công việc của mình.”

Đã bao nhiêu năm sống ở bên bờ sông Hồng, đã bao nhiêu năm vớt xác chết, Đại “bò” ngày nào đã thành “ông Đại bò” mà vẫn chưa thôi cái “nghề” vớt xác. Không những thế ông còn sẵn sàng phụ giúp các bác sĩ pháp y để khám nghiệm tử thi. Trong cái mùi hôi thối nồng nặc, người ta thấy “ông Đại bò” không găng tay, không khẩu trang chạy tới chạy lui phụ giúp, khâu vá lại các vết mổ. Nhiều xác chết không có người đến nhận, “ông Đại bò” đảm nhiệm luôn cả việc chôn cất người chết. Ông hì hụi một mình đào, một mình lấp và thắp một nén hương cho vong hồn người đã khuất.

Kinh nghiệm của người làm nghề

Đã làm cái nghề này lâu năm rồi nên ông tỏ ra là người có rất nhiều kinh nghiệm. Với những xác chết trôi thì khi vác lên người, phải vác 2 chân đi trước, chứ làm ngược lại thì người có khỏe đến mấy cũng ngã dúi ngã dụi vì cái xác đã trương lên, rất cồng kềnh. Khi tiếp cận với xác chết, phải biết lựa đứng ở đầu gió, chứ chỉ cần bác sĩ pháp y chích dao vào cái bụng đã trương phềnh lên thì chỉ có mà chết ngất. Và tuyệt đối không bao giờ được nhổ nước bọt. Chỉ một lần ngửi thấy mùi hôi thối từ xác chết mà nhổ nước bọt thì mùi hôi thối càng ám ảnh người ta mãi.

Nghề vớt xác cực nhất có lẽ phải kể mùa đông. Nước sông Hồng lạnh buốt, vậy mà ông vẫn phải bơi ra giữa dòng để đưa xác vào bờ. Theo kinh nghiệm, trước khi bơi, ông thường uống một bát nước mắm. Vì ông thấy rằng, nước mắm uống vào sẽ làm tăng nhiệt độ của cơ thể, đảm bảo ông không bị chết cóng giữa cái ớn lạnh của xác chết và cái giá lạnh của dòng nước.

Kinh nghiệm là thế nhưng ông cũng có lúc gặp tai nạn nghề nghiệp. Trong một lần bơi ra sông để vớt xác, mặc dù đã uống một bát nước mắm rồi mà chẳng hiểu sao khi đến giữa dòng, bị đuối sức, ông cũng bị uống một bụng no nước, cứ tưởng là sẽ chìm theo dòng nước nhưng rồi ông lại cố gắng vào được đến bờ. Đấy là buổi vớt xác mà đến bây giờ “ông Đại bò” vẫn nhớ mãi, suýt nữa, ông đã mất mạng vì nghề.

Trước kia, khi còn chưa sắm được chiếc phao, mỗi lần vớt xác, ông Đại lại phải đóng bè để hành nghề. Nhưng từ ngày sắm được cho riêng mình một chiếc phao bằng săm ôtô, công việc của ông cũng phần nào đỡ vất vả hơn. Chiếc phao đã cùng với ông vớt lên từ dòng nước không biết bao nhiêu xác người. Khi hoàn thành xong công việc, chiếc phao lại được tháo hơi nằm gọn lỏn trong góc vườn.

Ông bảo: “Chiếc phao nhìn thì đơn giản thế thôi, chứ thật sự là trợ thủ đắc lực của tôi. Không có nó thì tôi cũng khó xoay xở nổi khi ở giữa dòng nước một mình. Tôi phải lội ra đến gần cái xác, rồi lựa phao đến vị trí thích hợp để đặt xác chết lên trên, rồi từ đó mới kéo vào bờ. Có khi, vị trí vớt xác nằm ở gần đình chùa, không được kéo lên, vậy là chỉ có mình tôi, chiếc phao và xác chết kéo nhau đi theo dòng nước đến vài trăm mét mới được cập bến. Nhiều khi nghĩ lại vẫn thấy ớn lạnh và cũng là điều mà tôi sợ nhất trong nghề của mình.”

Dọc bờ sông Hồng, trải dài qua nhiều tỉnh, nghe tiếng của “ông Đại bò” ai cũng biết. Gia đình nào có người thân bị chết đuối mà chưa tìm thấy xác đều tìm về xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm để nhờ ông. Gắn bó với con sông Hồng mấy chục năm nên chỉ cần căn cứ vào dòng chảy của nước là ông có thể tìm ra xác chết đuối. Ông cho biết: “Vụng vật” là chỗ nước đang chảy có một cái hủm như cái hầm, bất kỳ vật gì chảy qua đều bị nó quật vào. Nếu nước chảy chậm thì xác sẽ theo dòng nước chảy xa mấy chục cây số, còn nước mà lên thì xác bị rơi vào các “vụng vật”, nên không trôi đi xa, chỉ loanh quanh ở vị trí bị chết đuối.

Thời gian trước, có người trong làng nhảy sông tử tự nên người nhà đến nhờ Đại “bò” tìm xác về. Trong nhóm những người đi tìm xác, chỉ có Đại “bò” là người có kinh nghiệm nên khi đến Phú Thượng có một “vụng vật”, Đại “bò” cam đoan là xác sẽ nổi lên ở vị trí này, ông liền đặt đôi dép làm điểm đánh dấu. Song mọi người trong đoàn không tin còn cá cược cả một chiếc tivi về điều tiên đoán của Đại “bò”, người nhà cứ yêu cầu đoàn phải đi xa hơn để tìm xác.

Nhưng khi mọi người đi quá điểm đánh dấu thì một lúc sau, đúng như lời Đại “bò” nói, cái xác nổi bềnh lên giữa dòng nước. Và cũng “con mắt thần” ấy, Đại “bò” chỉ nhìn xác chết là biết đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Đơn giản là, đàn bà khi chết sẽ nằm ngửa, đàn ông chết sẽ nằm sấp. Còn căn cứ vào chiều dài chân răng, có thể đoán biết tuổi tác người chết. Chân răng mà dài thì là người già, còn chân răng ngắn là người còn trẻ.

Làm nghề vớt xác đã lâu, nên Đại “bò” biết rằng, con sông Hồng đã được bọn tội phạm biến thành nơi che giấu tội lỗi của chúng. Có nhiều xác chết được vớt lên, không cần con mắt của một người làm nghề, ai cũng có thể biết được nguyên nhân của cái chết là do bị giết. Trong “vụng vật” ở gần nhà ông, một cái xác đã bị dòng nước quật lên vật xuống đến mấy lần rồi con sông mới chịu buông tha dạt vào bờ.

Đại “bò” ra kéo vào thì thấy đó là một xác đàn ông, tay chân bị trói đặt trong một chiếc võng, hai đầu bị buộc chặt và bị đeo đá. Thế nhưng, quá trình trương lên của xác chết khiến cho tảng đá khá nặng vẫn phải nổi lên mặt nước. Rồi nhiều khi chỉ vì lời qua tiếng lại xảy ra xô xát mà người ta giết hại lẫn nhau và việc đơn giản nhất là vứt xác xuống sông. Vậy nên, nhiều xác vớt lên mà Đại “bò” ngậm ngùi: “Tại sao con người ta sống với nhau lại có thể giết hại lẫn nhau tàn nhẫn đến như vậy”.

Phía sau những mưu sinh đời thường

Cũng không ít lần, Đại “bò” tìm thấy tiền, vàng, đôla trong túi những xác chết nhưng ông không bao giờ tơ hào đến một xu. Khi chúng tôi hỏi có phải ông kiêng không, ông trả lời thẳng thừng: “Đơn giản vì thằng Đại “bò” này không bao giờ thèm làm như thế, thằng Đại này có thể nghèo chứ không thể hèn”. Và cũng không chỉ một lần Đại “bò” được người ta tặng điện thoại di động, thậm chí cả xe máy nhưng ông đều nhất quyết từ chối.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, Đại “bò” nhớ mãi vụ đứa con gái 13 tuổi, quê ở Phú Thọ, đi làm thuê cho nhà người ta, chẳng may trượt chân bị chết đuối. Xác trôi dạt mãi về tận vùng nhà Đại “bò”. Cái xác được vớt lên mà chẳng có ai nhận nên Đại “bò” đem chôn ở khu bãi giữa. Vậy mà, chẳng biết thông tin ở đâu, gia đình cô bé lại tìm được về Từ Liêm để nhờ Đại “bò” đào mộ lên cho vào túi nilon để vào quan tài chở về quê .

Nhưng gia đình nghèo quá, bố mẹ lại già yếu, nên người nhà lên chỉ có vài người chú bác. Một mình Đại “bò” phải tự tay quật mộ lên, tự tay cho xác vào quan tài, tuy là người nhà nhưng ai cũng sợ nên chẳng dám bén mảng lại gần. Rồi đích thân Đại “bò” lại đi thuê ôtô và áp tải xe về tận quê, được 500.000 đồng xã trả công cho vụ vớt xác, Đại “bò” dùng vào việc thuê xe và phúng viếng, không lấy công của gia đình một xu. Sau đó 50 ngày, 100 ngày, rồi bốc mả, Đại “bò” đều về tận quê để thắp nén hương cô bé xấu số.

Và cũng nhờ cái nghề đặc biệt này, Đại “bò” đã trở thành người nổi tiếng, tạo dựng được nhiều mối quan hệ thân tình với gia đình các nạn nhân. Hè vừa rồi, một gia đình để cảm cái công lao của Đại “bò” đã mời cả nhà ông một chuyến lên Điện Biên chơi. Nói đến đây, Đại “bò” lấy từ trong ngăn tủ ra những bức ảnh còn mới khoe với chúng tôi. Nét mặt ông thật rạng rỡ khi vừa đưa cho chúng tôi xem ảnh rồi kể về kỷ niệm của mình trong chuyến đi đó.

Gia đình nhỏ của Đại “bò” cùng vợ và 2 đứa con, 1 trai 1 gái bên bờ sông Hồng thật hạnh phúc. Một ngôi nhà mái bằng được xây dựng khang trang, đồ đạc trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, khiến cho người khác bước vào không có cảm giác rờn rợn khi đến nhà của một người hành nghề vớt xác trên sông. “Ông Đại bò” năm nay đã ngoài 50 nhưng thân hình tráng kiện, khiến cho người đối diện chỉ đoán ông ngoài 40.

Tuy nhiên, dấu ấn của những năm tháng bươn chải, của công việc khắc nghiệt đã khiến khuôn mặt ấy có nét gì khắc khổ, và hiếm lắm những nụ cười. Nhưng khi nghe tiếng cậu con út gọi thì đôi mắt ông lại ánh lên hạnh phúc, tưởng như bao nhiêu nỗi vất vả, lạnh lùng trên gương mặt đều tan biến đi. Vẫn là Đại “bò” đấy, nhưng đằng sau cái vỏ lấm lem của đời sống nhọc nhằn, người ta tìm thấy một người chồng, người cha thương yêu vợ con hết mực, một tâm hồn, một tấm lòng sáng trong, dịu dàng…