Điệp khúc thi trượt, tiếp tục thi và không ngừng hi vọng
Ngay từ khi còn là một anh thợ cắt tóc, Đàm Vĩnh Hưng đã mơ ước một ngày nào đó mình sẽ trở thành một ngôi sao tronh showbiz Việt. Những lúc tiệm cắt tóc vắng khách, Đàm Vĩnh Hưng vẫn một mình đứng trước gương, tưởng tượng mình là một ngôi sao lớn còn phía trước là hàng nghìn khán giả. Lúc đó, Đàm Vĩnh Hưng đã nghĩ rằng, chỉ có cách tham gia các cuộc thi anh mới có thể thay đổi được số phận của mình, mới có thể đến gần giấc mơ và mục tiêu cả đời mình. Chính vì thế, con đường Đàm Vĩnh Hưng đã chọn là tham dự những cuộc thi hát lớn nhỏ trong thành phố. Một mình đi thi lại thiếu kinh nghiệm, anh đã gặp không ít những thất bại.
Đến tận bây giờ, có lẽ chính Đàm Vĩnh Hưng cũng không nhớ mình đã từng trải qua bao nhiêu cuộc thi lớn nhỏ. Mỗi lần nghe ở chỗ nào tổ chức cuộc thi hát nào đó, Đàm Vĩnh Hưng cũng đăng ký tham gia. Năm nào cuộc thi Tiếng hát truyền hình được tổ chức, năm đó đều có tên Đàm Vĩnh Hưng trong danh sách dự thi, nhưng có thể với một cái tên khác. Chuyên gia đi thi và chuyên gia trượt nên Đàm Vĩnh Hưng tìm mọi cách để lấy may trong lần thi sau, từ việc đổi tên, đảo tên, đổi nghệ danh. Vẫn không ai biêt đến tên tuổi Đàm Vĩnh Hưng, không một ai biết anh đã tham gia đến 8 cuộc thi Tiếng hát truyền hình, vì chưa có khi nào Đàm Vĩnh Hưng có cơ hội lọt vào bán kết. Thế nhưng khao khát trở thành ca sĩ khiến Đàm Vĩnh Hưng chưa bao giờ nguôi hi vọng: “Những lần thi Tiếng hát truyền hình tôi luôn chú ý những người đậu thường hát loại nhạc nào để năm sau tôi thi tiếp. Nhưng thi hoài rớt hoài, Chẳng ai biết và tôi cũng chẳng dám cho ai biết. Tự tôi đi thi, tự nếm mùi thất bại, rồi tự ra về một mình”. Mê hát đã ngấm vào máu nhưng tiếp tục đi thi và bắt đầu hát lót để kiếm sống với mức catxe vô cùng rẻ. Có những đêm anh chạy xô “điên cuồng” cũng chỉ dược 40.000 đồng cho một chương trình hát… khản cả giọng; chạy xe xuống Thủ Đức hát vào cuối tuần với 20.000 đồng tiền công. Đó là những điều đáng nhớ trong những ngày tháng đầu tiên đi hát. Nhưng Hưng bảo, khi ấy anh đi hát không phải vì tiền mà chỉ vì ước mơ có một ngày nào đó người ta sẽ công nhận anh là một ca sĩ chứ không phải một kẻ chuyên hát lót ở các quán Bar. Chính những lần đi hát này đã giúp Hưng quen dần với môi trường sân khấu, kinh nghiệm diễn cũng tăng lên. Cuối cùng sự kiên trì của anh đã được đền đáp.
Năm 1998, Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục tham gia cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Đó là lần thứ 8 Đàm Vĩnh Hưng đăng ký tham gia cuộc thi này. Lần đó, Hưng đã tự nhủ: “Hưng ơi, đây là lần thứ 8 rồi nhé. Thêm 2 lần nữa mà không được là mày phải bỏ cuộc nhé”. Nhưng lần đó, tổ nghiệp đã cảm động trước sự kiên trì không mệt mỏi của Đàm Vĩnh Hưng. Anh đạt giải 4 Tiếng hát truyền hình, sau đó được Đài truyền hình mời tham gia rẩt nhiều chương trình, khán giả biết đến anh nhiều hơn và anh cũng bắt đầu có lượng người hâm mộ riêng. Đàm Vĩnh Hưng nhớ lại: “Những lần biểu diễn trước nhiều khán giả, rồi nhận được những lá thư hâm mộ liên tiếp từ các nơi gửi về, tôi thấy tâm trạng mình cứ lâng lâng, hạnh phúc vì cuối cùng mình cũng được mọi người công nhận là … ca sĩ”. Đam mê ca hát, nên được mời đi hát ở Bar, ở các quán cà phê hay đi diễn ở tỉnh lẻ làm niềm hạnh phúc lớn với Đàm Vĩnh Hưng, bất chấp việc anh biết mình sẽ phải chia nửa tiền công cho người môi giới, hay sẽ phải chuẩn bị một tá thuốc say xe nếu đi tỉnh. Tình yêu và niềm đam mê ca hát đã khiến Hưng làm được những việc tưởng như vượt ngoài khả năng của chính bản thân mình.
Đến bây giờ Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhớ, lần đầu tiên song ca với Mỹ Tâm khi hai người đều chỉ là “ lính mới” trong showbiz Việt. Ngày hôm sau, ảnh chụp anh và Mỹ Tâm đã xuất hiện trên một tờ báo nghệ thuật khá có tiếng. Khi đó, quá xúc động, Hưng đã đi dọc các sạp báo, mua cho bằng hết số báo đó về tặng bạn bè, người thân và …làm kỷ niệm. Sau này, dù có là gương mặt trang bìa trên hàng trăm số báo khác, Đàm Vĩnh Hưng vẫn không bao giờ quên được cảm giác ngọt ngào của cái lần đầu tiên ấy.