Hồ sơ thật về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng tuổi thơ của anh lại có nhiều điểm khác thường so với những đứa trẻ cùng lứa. Là con vợ lẽ song cậu bé Huỳnh Minh Hưng rất được gia đình cưng chiều.

Tuổi thơ không bình yên

Tâm sự với báo giới và bạn bè, Đàm Vĩnh Hưng kể: “Trước khi lấy mẹ tôi, bố tôi đã có một đời vợ và mấy đứa con gái. Nhưng vì người vợ trước không thể sinh cho ông một người con trai, nên gia đình nội đã cưới mẹ tôi về làm lẽ cho ba tôi. Tôi là con trai đầu lòng, cũng là con trai duy nhất trong nhà, là niềm hạnh phúc và mong đợi của ba mẹ và cả nhà bên nội. Chính vì thế, tôi được cả gia đình nâng niu, yêu chiều và đặt vào không biết bao nhiêu kỳ vọng. Tuổi thơ của tôi đã trôi qua những năm tháng đầu vô cùng êm ả và bằng phẳng. Sau tôi, mẹ tôi còn đẻ được 3 em gái nữa, nhưng 2 đứa em tôi đã không may bị ốm mà qua đời sớm. Bố mẹ càng dồn hết tình yêu thương vào hai anh em tôi”.

Song biến cố gia đình xảy ra dồn dập khiến tuổi thơ của Đàm Vĩnh Hưng đã mất đi sự êm đềm vốn có. Trong kí ức, Đàm Vĩnh Hưng luôn nhớ tới hình ảnh tài sản trong gia đình lần lượt đội nón ra đi, và cuối cùng, ngay cả căn nhà để ở cũng chẳng thể giữ được. Cái cảm giác nhìn ba mẹ ngậm ngùi ôm đống đồ bước ra khỏi chính ngôi nhà của mình là cái cảm giác mà Đàm Vĩnh Hưng tâm sự anh suốt đời sẽ chẳng bao giờ quên. Khi đó, dù chỉ là một đứa trẻ, anh cũng chẳng tránh khỏi cảm giác tê tái và nghẹn ngào.

Ngày đó, Đàm Vĩnh Hưng chỉ là một cậu nhóc hiền lành, ngờ nghệch. Sau những biến cố, thăng trầm của gia đình, Đàm Vĩnh Hưng được bố mẹ gửi vào tu viện để theo học từ khi còn rất nhỏ. Ở tu viện, Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu hát những ca khúc đầu tiên của cuộc đời trong giàn thánh ca. Lúc đó, Hưng là ca viên nhỏ tuổi nhất trong ca đoàn của tu viện. Đây có thể coi là những bước đi đầu tiên của Đàm Vĩnh Hưng trong sự nghiệp ca hát, ươm mầm cho những khát khao và ước mơ bền bỉ của ca sĩ họ Đàm sau này.

Rời khỏi tu viện trở về nhà ông bà ngoại năm lớp 6, niềm mê hát đã ăn sâu vào con người Hưng. Mỗi khi được nghỉ hè ngày nào Hưng cũng đạp xe từ nhà lên sân khấu 70 Phú Nhuận để nghe các thần tượng Bảo Yến, Nhã Phương, Mỹ Lan, Ngọc Bích, Thái Châu, Ngọc Yến…biểu diễn. Mê hát mãnh liệt đến mức dù trời mưa, Hưng cũng không bỏ buổi nào, nghe đến mức thuộc lòng các ca khúc, có thể hát nhưng chỉ thích đi một mình để tránh bị phân tán tư tưởng, nên thời gian đầu, nhiều người nhìn Đàm Vĩnh Hưng như vật thể lạ. Dần dần, những người coi rạp riết rồi cũng quen với sự có mặt của Hưng, coi Hưng là một kẻ “lạ đời” quen thuộc.

Đàm Vĩnh Hưng tâm sự mình mê hát đến nỗi quên ăn quên ngủ, đến mức người như một con cò hường, ốm nheo ốm nhách. Rồi cứ tối đến là tụ tập mấy đứa nhỏ bạn cùng xóm lại, ra trước đường đàn hát tới khuya. Anh tâm sự: “Tôi còn nhớ trước hẻm nhà ông bà là nội tập trung những hàng bán nho nhỏ. Ở đó có một gánh cháo huyết và người con gái của bác bán hàng tên Khánh Ly đã đàn và tập cho tôi những ca khúc đầu tiên, đó là bài Mặt trời bé con và Cám ơn mùa thu. Tôi đem bài Mặt trời bé con vào trường hát, thật bất ngờ tôi được học sinh và giáo viên hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi bắt đầu là sự chú ý của mọi người trong trường, các anh chị lớp trên hay gọi tôi là “mặt trời bé con”. Tôi vui mừng đem kể chuyện cho mẹ, và dĩ nhiên ngoài mẹ thì người chia vui nhiều nhất chính là chị Khánh Ly bán cháo”. Sự khích lệ đầu tiên đó khiến anh ngày càng say mê hát hơn. Những chương trình văn nghệ ở trường cấp 3, ở Sở giáo dục thành phố chính là những sân khấu đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc. Năm thứ hai của trường cấp III, Đàm Vĩnh Hưng đã trở thành một “hiện tượng”, thành “ngôi sao” của sân khấu cấp trường với bài hit Cô bé u sầu. Trở thành “thần tượng” của nhiều nữ sinh trong trường, đó là những dư vị ngọt ngào đầu tiên của “sự nổi tiếng” mà Đãm Vĩnh Hưng đã nếm trải.

Đến cuối những năm học cấp III, hoàn cảnh kinh tế gia đình Đàm Vĩnh Hưng hoàn toàn suy sụp. Nhưng vì thương cậu con trai duy nhất, thấy con đam mê hát nên dù đang nợ nần chồng chất, dù bị chủ nợ ngày đêm đến chì triết, hành hạ đủ kiểu, mẹ của Đàm Vĩnh Hưng vẫn nghiến răng lấy tiền may cho anh một bộ đồ trắng để đi diễn. Sau này khi đã có trong tay cả tủ đồ quần áo hiệu, Đàm Vĩnh Hưng vẫn không bao giờ quên bộ đồ mà mẹ anh đã may cho mình với tất cả tình yêu thương và sự hi sinh đó. Biết được sự hi sinh của mẹ, thương mẹ vô hạn, nên những đồng tiền đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng kiếm được khi đi hát cho sở giáo dục, anh đã mang về đưa hết cho mẹ: “Khi cầm trên tay những đồng tiền đó của tôi, mẹ tôi đã òa khóc. Đó là số tiền đầu tiên do chính tay tôi làm ra mang về cho bà. Có thể số tiền không nhiều nhưng cái ý nghĩ con trai mình đã lớn, đã trưởng thành khiến mẹ tôi cảm động”. Mẹ vẫn luôn là người có vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời Đàm Vĩnh Hưng, là người sẵn sàng hi sinh cả mạng sống để mong sao con mình có thể có được hạnh phúc. Đàm Vĩnh Hưng tâm sự, ngay cả trong lúc hàn cơ nhất, dù có đổi mẹ mình lấy một ngôi nhà chất đầy vàng, anh cũng không bao giờ đánh đổi, và anh cũng sẵn sàng đánh đổi tất cả để được ở bên cạnh người mẹ hiền của mình vĩnh viễn.

Cuộc sống khó khăn của gia đình khiến Hưng phải bước chân vào kiếm sống. Đã có thời, Đàm Vĩnh Hưng chỉ là anh thợ phụ trong quán cắt tóc, ngày ngày phải đối mặt với đủ thứ mùi hóa chất, thuốc nhuộm, với những cái đầu xanh xanh đỏ đỏ. Đã có thời, Đàm Vĩnh Hưng chỉ đứng cho thợ chính sai vặt, cốt mong sao học lỏm được đôi chút bí quyết làm nghề. Ngày ấy số tiền mà Đàm Vĩnh Hưng kiếm được chỉ đủ để chi trả cho nhu cầu tối thiểu của cuộc sống ngày thường, chứ không giúp anh giải quyết những khó khăn chồng chất đang đè nặng lên cả gia đình. Song không thể vì thế mà niềm đam mê ca hát trong con người Đàm Vĩnh Hưng bị lụi tàn. Bởi cứ như là từ khi sinh ra, số phận dã cho Đàm Vĩnh Hưng biết con đường duy nhất của mình là âm nhạc, là kiên trì bền bỉ vượt qua mọi khó khăn để trở thành một ngôi sao.