“Xuất” và “suất” là hai từ Hán – Việt có nghĩa khác hẳn nhau.
“Xuất” có nghĩa là “đưa ra”, “cho ra” (động từ). Chẳng hạn: Xuất quân (ra quân); xuất hiện (hiện ra); sản xuất (làm ra); xuất kho (đưa ra khỏi kho); xuất hành (ra đi); xuất trình (trình ra); nội bất xuất, ngoại bất nhập (trong không được ra, ngoài không được vào); xuất khẩu thành thơ (nói ra đã thành thơ; xuất ngoại (đi ra ngoài, ra nước ngoài); xuất giá (ra đi lấy chồng), v.v…
Còn “suất” có nghĩa là một phần của tổng thể nào đó (danh từ). Chẳng hạn: Suất cơm (một phần cơm); suất sưu (phần thuế thân được bổ cho một người nam giới từ tuổi trưởng thành dưới chế độ cũ), suất ruộng khoán (phần ruộng khoán chia cho một nhân khẩu hoặc một lao động).
Từ chỗ “suất” là một phần của tổng thể, suy rộng ra, nó là một phần hình thành sau sự phân chia, hoặc là kết quả của một phép chia. Theo nghĩa suy rộng này, ta có: Năng suất lao động (tính theo sản phẩm) là số sản phẩm được làm ra trong một đơn vị thời gian, nói cách khác, nó là kết quả của một phép chia tổng số sản phẩm cho thời gian sản xuất.
Tương tự, năng suất cây trồng là sản lượng trên một đơn vị diện tích; áp suất là áp lực tác động lên một đơn vị diện tích; công suất là số công sản ra trong một đơn vị thời gian (có thể tính bằng đơn vị công suất như tàu có công suất 40 mã lực, bóng điện công suất 100w, hoặc quy ra sản phẩm như nhà máy ximăng công suất 2 triệu tấn/năm,…);
Lãi suất (kinh doanh) là số tiền lợi nhuận được sinh ra trên tổng số vốn và thường được tính bằng phần trăm (%); thuế suất là số tiền thuế phải chịu trên giá trị hàng hoá chịu thuế tính bằng phần trăm…
Còn sơ suất là phần thiếu sót nhỏ, khinh suất là phần thiếu sót do coi thường, xem nhẹ (khinh = nhẹ) trong khi hành động mà gây ra…
Tóm lại, để tránh viết nhầm “xuất” với “suất”, ta chỉ cần nhớ: Khi dùng với nghĩa “ra” (hoặc “đưa ra”, “cho ra”) thì dùng từ “xuất”; còn khi dùng với nghĩa “một phần của tổng thể” (hoặc được hình thành sau một phép chia) thì dùng từ “suất”.
Nguồn: http://tvav93.com.vn/forum/