Ngọn lửa luôn sáng trong tim

26 năm đã trôi qua, ấn tượng về hình ảnh người đàn ông gầy guộc cong lưng trên chiếc xe đạp cà tàng, cố gắng để những vòng quay pê-đan nhanh hơn đuổi kịp người phụ nữ chở đứa bé 3 tuổi đi đằng trước, chưa bao giờ mờ trong kí ức của tôi. Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, đứa bé là tôi khi ấy chỉ biết cười hớn hở vì được mẹ hứa: “Đi với mẹ, mẹ mua quần áo đẹp”, mà không biết rằng cũng từ hôm ấy, mẹ đã dứt tay tôi ra khỏi vòng tay bố.

Sau gần 10 năm hương lửa, bố mẹ tôi quyết định ly hôn vì lý do “không hợp nhau về lối sống” khi bố cách xa mẹ tới 20 tuổi. Bố đòi quyền nuôi con, để mẹ ra đi nhẹ nhàng không vướng bận. Gà trống một nách 3 con, bố phải nghỉ công việc “hữu danh vô thực” ở một cơ quan Nhà nước để về buôn bán, nuôi anh em tôi khôn lớn. Nghe bố kể, trước mấy tháng bố mẹ xảy ra chuyện, con gà trống bố nuôi để dành đến Tết làm thịt bỗng nhiên ngứa cổ gáy chơi, như điềm báo trước chuyện chẳng lành! Bố lạnh gáy, lập tức đưa tiễn nó vào nồi, vậy mà cuối cùng vẫn không thể thay đổi cuộc hôn nhân đã đến hồi mục rữa.

Trong một năm không có mẹ ấy, bố chọn cách đi bán dầu dạo để có tiền nuôi ba đứa trẻ, đứa lớn nhất mới lên 9.Cứ bán dầu xong, bố tranh thủ tạt qua chợ, đảm nhiệm luôn phần việc người phụ nữ với những chai mắm, gói muối… Hôm nào bố về với can dầu đã cạn, anh em tôi lại sung sướng vô cùng vì biết sẽ được ăn cơm mặn (nghĩa là thế nào bố cũng mua cho con cá hoặc lạng thịt). Ở nhà anh tôi nấu sẵn nồi cơm,  chờ bố mang thức ăn về là 4 bố con ung dung đánh chén.

Những năm 1980, dầu hỏa bị coi là hàng cấm, vì thế việc buôn bán của bố gặp nhiều khó khăn. Có những hôm mưa gió, bố và hai can dầu buộc trên xe cùng nhau lăn tõm xuống dòng kênh mù mịt, mất trắng cả vốn lẫn lời; cũng không thiếu lần bố tôi phải “bỏ của chạy lấy người” vì bị công an rượt chạy “tóe khói” đúng lúc đang đong dầu cho khách, thoát thân còn là may…

Sau này bố kể lại, có lần mải mê bán hàng, bố trở về nhà khi trời đã muộn. Bước vào nhà, nhìn 3 anh em nằm lăn trên giường, bụng lép xẹp, đứa lớn cắp đứa bé ngủ ngủ mê mệt, bố không kìm được ân hận đã bật khóc. Cũng từ đó, không bao giờ vì mải bán dầu mà bố bỏ đói anh em tôi. Hình ảnh đáng thương của đàn con khiến ông day dứt mãi cho tới ngày hôm nay, khi đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn rơm rớm nước mắt như con trẻ mỗi khi nhắc tới.

Mẹ bắt cóc tôi sau khi hoàn tất ly hôn với bố một năm. Ở với mẹ, tôi được hưởng sự sung sướng về vật chất. Nỗi lo toan cuộc sống gia đình mới cũng khiến mẹ dần quên nhiều thứ, trong đó có hai đứa bé mỗi ngày đều mong chờ tiếng mẹ thân quen: “Đi với mẹ, mẹ mua quà cho con”. Cuộc sống và môi trường mới mẻ cũng làm cho đứa trẻ ba tuổi là tôi không nhớ nổi trước đó mình từng yêu bố và anh chị đến thế nào. Cùng với thời gian, tôi chỉ nhớ được rằng mình có bố và anh chị, nhưng không thể nào nhớ rõ đường nét trên khuôn mặt mỗi người.

Không có mẹ, chị gái tôi bước qua thời thiếu nữ bằng những kiến thức thu lượm từ nguồn sách báo thiếu thốn và lời giải thích ngại ngần của bố. Không có mẹ, anh trai tôi vào đời bằng nhiều bài học va vấp, và không tránh khỏi những đòn roi mỗi khi bố tôi không kiềm chế được cơn tức giận. Nhưng dù mệt mỏi tới đâu, tuyệt nhiên chưa khi nào trong mắt ông xuất hiện ánh nhìn tuyệt vọng. Tình yêu với con khiến ông gạt bỏ nhiều cơ hội làm tròn cuộc hôn nhân trót lỡ dở, và mạnh mẽ bước qua những hờn tủi bởi sự thương cảm của người đời.

Hơn 10 năm ở bên mẹ, tôi kiên quyết trở về với bố khi đủ lớn để hiểu thế nào là “lá rụng về cội”. Bố đón tôi bằng tất cả tình yêu gom góp suốt hơn 5.000 ngày. Cũng từng ấy ngày, chưa một giây phút nào bố quên con bé còm nhom và lì lợm nhất nhà, thường bêu nắng cháy da và ôm cổ bố nũng nịu mỗi khi được mua quà dù chỉ vài khẩu mía còi. Bố khóc mừng đón tôi bằng nước mắt của người đàn ông đã xế chiều. Còn tôi, dù đã là thiếu nữ, bên tình yêu bao la của bố vẫn thấy mình như con bé 3 tuổi tội nghiệp ngày nào.

Ngày tháng lại đi qua, tôi sống cuộc sống vật chất tằn tiện bên tình thương mênh mông của bố và anh chị. Những bài học hàng ngày bố dạy dù rất giản dị cũng đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ba anh em tôi hoàn thành xong đại học bằng số tiền ít ỏi bố kiếm được từ cái cửa hàng sửa chữa đồ gia dụng nhỏ xíu. Dù không ít lần tủi thân khi thấy mình kém bạn chiếc áo mới, nhưng tôi biết không ai giàu như tôi nếu đem so sánh với tình yêu của bố.

Đôi khi nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi tự hỏi bố đã giúp anh em tôi vượt qua khó khăn bằng cách nào? Thỉnh thoảng thắc mắc, tôi nhận được câu trả lời: “Cuộc sống lúc đó buộc mình phải cố gắng thôi con ạ. Không bơi thì chết đuối, mà bố yêu các con nên không thể để các con sống đơn côi”. Bố tôi là như vậy, chưa từng bao giờ nghĩ những việc mình làm là lớn lao.

Vất vả cũng qua, giờ đây đời sống gia đình tôi đã khá hơn nhờ sự trưởng thành của 3 anh em. Anh trai tôi công việc ổn định, đã kết hôn và bố tôi được làm ông nội. Chị gái giờ là một nhà báo cứng cỏi và đang tận hưởng những ngày hạnh phúc bên chồng. Còn tôi dù mới chập chững trên con đường mà chị tôi đang đi, cũng đã biết tự lo cho mình và biết yêu bố hơn bao giờ hết. Công việc khiến tôi không thể gần gũi hàng ngày bên bố, nhưng ngay cả trong tiềm thức, tôi luôn coi ông là mục tiêu phấn đấu.

Tôi tự hào về bố, và tôi biết, ông cũng rất tự hào về tôi. Út cưng của bố đã làm được điều bố muốn, cũng là nhờ ngọn lửa trong tim bố soi sáng cho con đấy. Sắp tới sinh nhật con, điều ước tốt lành con xin được giành cho bố: MONG BỐ TUỔI GIÀ BÌNH YÊN. CON YÊU BỐ!

Lê Khánh Ly