Như thế nào là giàu?

Nếu theo đúng nghĩa đen, giàu tức là có nhiều tiền, nhiều của cải, thì bao nhiêu của cải được coi là giàu, hay thu nhập bao nhiêu thì được coi là giàu? Ở tuổi nào với tài sản bao nhiêu thì giàu?

Chào chú Hùng, chào độc giả VnExpress,

Trước tiên, tôi cũng nghĩ như chú Hùng, làm giàu không dễ! Nhưng trước khi nói đến chữ giàu, chúng ta có định nghĩa được thế nào là giàu? Nếu theo đúng nghĩa đen, giàu tức là có nhiều tiền, nhiều của cải, thì bao nhiêu của cải được coi là giàu, hay thu nhập bao nhiêu thì được coi là giàu? Ở tuổi nào với tài sản bao nhiêu thì giàu?

Nếu không có định hướng đúng đắn, tôi nghĩ các bạn trẻ sẽ lao vào làm giàu mà không có điểm dừng, không tính đến những hệ quả của xã hội. Một nhận thức dễ thấy của các bạn trẻ là “làm giàu tức làm chủ”. Vừa học chân ướt chân ráo, hoặc vừa đi làm vài năm, các bạn đã vội ra công ty. Vấn đề là ở chỗ, các bạn có hiểu hết về mọi mặt hoạt động của một công ty như thế nào, hay chỉ lơ mơ làm bừa. Mỗi khi doanh nghiệp bạn thất bại, nó không chỉ là thiệt hại của riêng bạn, mà là thiệt hại cho xã hội rất nhiều.

Tôi đang làm việc trong lĩnh vực phần mềm tin học, một lĩnh vực mà một tháng có cả ngàn công ty mới thành lập tại TP HCM, và cũng chừng đó công ty phải đóng cửa. Vài người bạn học chung, ra trường là mở ngay công ty, hoặc làm nhóm. Các bạn nhận dự án với giá rẻ mạt, viết ra phầm mềm chất lượng kém vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức thực tế. Chuyện đóng cửa công ty chỉ là sớm muộn.

Hậu quả của xã hội là những khách hàng đang lỡ dùng sản phẩm của các công ty này phải mất công và mất phí viết lại phần mềm khác để tiếp tục được chỉnh sửa và hỗ trợ.

Tôi nghĩ khát vọng làm giàu, làm chủ không sai, nhưng hãy biết lượng sức mình. Ở nước ngoài, tôi thấy nhiều công ty nhỏ sát nhập thành công ty lớn, tập đoàn lớn. Cách làm chủ của họ khác người Việt. Ở Việt Nam, công ty đã nhỏ, lại liên tục tách nhỏ. Người Việt thà làm chủ một cửa hàng con con còn hơn làm thuê cho một công ty lớn. Nhân viên của công ty sau khi nắm được vài bí kíp hoặc vài khách hàng đã tự tách thành công ty riêng. Kết cục là cạnh tranh lẫn nhau kiểu chụp giật, tự mình giết mình.

Để Việt Nam mình có nhiều người giàu, tôi nghĩ phải định hướng phát triển những công ty nhỏ thành những tập đoàn lớn. Lúc đó ắt hẳn những cá nhân trong công ty sẽ giàu. Hơn là tự tách mình ra thành những doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhỏ càng nhỏ hơn. Các bạn trẻ nên học nhiều hơn, tập làm việc tập thể nhiều hơn, đừng nghĩ làm giàu đồng nghĩa với làm chủ mà làm yếu đi sức mạnh của tập thể.

Xin cảm ơn.

Võ Việt Lập