Câu hỏi của bạn là "Em là ai?"

Mong ước tìm được một công việc làm thêm ở nhà hàng Nhật Bản, tôi hăng hái đăng ký phỏng vấn tại một nơi khá nổi tiếng ở Hà Nội. Mất mấy ngày để trau dồi thêm vốn từ tiếng Anh và tiếng Nhật dành cho nhà hàng. Thậm chí tôi còn lên mạng tìm thông tin về nhà hàng, các loại sushi, đầu bếp chính… Thu được khá khá thông tin, có vẻ ổn ổn rồi…

Đến sớm 10 phút để quan sát nhà hàng và đối thủ, tôi hơi choáng một tí vì có tới 52 người cùng tranh cử…2 chỗ làm. Nghĩ bụng “Sợ gì, chắc họ chỉ biết mỗi tiếng Anh thôi, mình có cả tiếng Nhật mà lo gì”, tôi cảm thấy yên tâm hơn…

Phỏng vấn tôi là một ngượi Nhật khá trẻ, nói tiếng Việt chỉ bập bẹ, và chỉ hỏi tôi đúng một câu: Em là ai?

Quá bất ngờ! Ngồi ở nhà nghĩ ra bao nhiêu câu hỏi thế mà không ngờ lại bị hỏi thế này. Tôi là ai đây? Lần đầu tiên đi phỏng vấn lại bị hỏi thế này, chán quá…

Tôi tặc lưỡi trả lời bằng những câu thật ngu ngốc “Em tên là, đang làm gì, ở đâu…” chẳng gây được ấn tượng gì cả.

Xong rồi! Em có thể về, 9h tối nếu có điện thoại thì có nghĩa là em đạt…người phỏng vấn nói. Tất nhiên là tối đó chẳng có cú điện thoại nào cho tôi cả.

Cho đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình khờ. Câu hỏi đó thật tuyệt và thông minh! Tôi ước gì có thể quay về thời điểm đó để nói với anh ta “Tôi là ai”? Tôi là người mà nhà hàng anh đang tìm, tôi ở đây vì tôi biết công việc này dành cho tôi …

Bạn thấy đấy, khi chúng ta mải mê tìm kiếm tri thức, mải mê góp nhặt vốn sống, ta quên đi mất ta là ai. Nhà tuyển dụng đôi khi cần đến những thứ khác nữa ở chúng ta. Họ muốn chúng ta trước hết, phải biết mình là ai; hay nói cách khác là biết giá trị của bản thân mình, từ đó mới biết được giá trị của sức lao động, của công việc cho dù có thể, đó không phải là một công việc quá cao sang.

Rút kinh nghiệm từ lần thất bại đó. Lần phỏng vấn sau tôi cố gắng nói tôi là ai nhưng là tôi trong công việc, trong suy nghĩ, cá tính đồng thời gợi mở về bản thân để họ tò mò, tìm hiểu và … nhờ đó, hiện tôi đã có công việc như ý.